Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, việc người Việt xem trọng việc “an cư” và có xu hướng coi bất động sản là hình thức “trú ẩn” an toàn trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi tác động từ đại dịch, lại có thể tăng giá theo thời gian, là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua nhà của người dân.
Nhiều nguyên nhân khiến giá nhà tăng
Theo Viện Kinh tế Xây dựng, trong quý III/2021, giá vật liệu xây dựng tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ năm 2020 và dự báo sẽ còn tăng từ 10-15% trong thời gian tới. Điều đáng nói, việc giá nguyên vật liệu đầu vào, giá thi công xây dựng tăng cao đã tác động rất lớn tới giá thành nhà ở, các sản phẩm bất động sản nói chung, khiến cho việc tiếp cận nhà ở và cơ hội sở hữu bất động sản của người dân càng trở nên xa vời.
Một phó tổng giám đốc công ty phát triển dự án tại TP.HCM cho biết, đối với một dự án công trình, chi phí sắt thép chiếm trung bình khoảng 15-20%. Do đó, giá sắt thép tăng lên buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống. Tuy nhiên, phần lớn đối với các nhà kinh doanh bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải gánh chịu.
Giá vật liệu xây dựng tăng cao đang làm đội giá bất động sản
Thực tế, sau khi tái khởi động hoạt động, các doanh nghiệp ưu tiên hoàn thiện tiến độ các dự án dang dở, tuy nhiên vấn đề gặp phải không chỉ là chi phí vật liệu leo thang mà còn thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Nhiều người lao động của nhà thầu này đã phải tạm nghỉ việc và trở về quê, chi phí đảm đảo an toàn cho lao động, xét nghiệm thường xuyên cũng làm doanh nghiệp tiêu tốn nhiều hơn. Hiện nay, số công nhân này chưa thể quay trở lại để tiếp tục công việc gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Cùng với đó, giá xăng tăng, chi phí vận chuyển, logictics… tăng cao vì phải qua nhiều khâu kiểm duyệt khiến áp lực nhà thầu công trình rất lớn. Như vậy, không chỉ các doanh nghiệp xây dựng tiếp tục đứng trước thách thức lớn mà thị trường bất động sản còn có nguy cơ đối mặt trước “làn sóng” tăng giá cao khiến cho nhà đầu tư khó lựa chọn để xuống tiền.
Nan giải tìm nhà vừa túi tiền
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, việc người Việt xem trọng việc “an cư” và có xu hướng coi bất động sản là hình thức “trú ẩn” an toàn trong bối cảnh kinh tế khó khăn bởi tác động từ đại dịch, lại có thể tăng giá theo thời gian, là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua nhà của người dân.
Thực tế, hiện nguồn cung căn hộ hiện vẫn thiếu và mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu của người dân. Trong khi đó, giá nhà đất tại TP.HCM trong những năm vừa qua liên tục tăng khiến cho việc tìm ra dự án “vừa túi tiền” với không ít người trở nên khó khăn. Nắm bắt thực trạng này, một số chủ đầu tư đã phát triển những dự án tầm trung ở những quận huyện tương đối xa trung tâm. Thậm chí là xây dựng các dự án nhà phố, khu nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã và đang thu hút được sự quan tâm lớn từ khách hàng trong thời gian gần đây. Đơn cử như khu vực Hồ Tràm trước kia vốn còn xa lạ với giới đầu tư nhưng thời điểm hiện tại đã là “bến đỗ” lý tưởng cho các nhà đầu tư bất động sản bởi vị trí địa lý thuận lợi gắn kết với TP.HCM cũng như có cảnh quan thiên nhiên đẹp, song giá thành lại không quá đắt đỏ.
Thêm vào đó, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông được thúc đẩy xây dựng, phát triển tạo ra sức hấp dẫn của các khu vực, tỉnh thành xung quanh. Đây là những nơi có giá đất rẻ hơn nhiều so với giá nhà đất tại TP.HCM, nên còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Dự báo, sắp tới khi các tuyến đường cao tốc, đường kết nối giữa các tỉnh thành lân cận với TP.HCM được đầu tư mở rộng như tuyến tỉnh lộ 994, đường ven biển đi Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu), đường Mỹ Phước – Tân Vạn kết nối Bình Dương, đường vành đai 4 kết nối 5 tỉnh thành, mở rộng cao tốc Long Thành – Dầu Giây… sẽ tạo tiền đề cho các dự án bất động sản ở nhiều phân khúc được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về bất động sản khu vực lân cận khi giá nhà đất tại những khu vực trung tâm ngày một tăng cao.
Nguồn: Thời Báo Ngân Hàng